Vào hồi 14h50, bệnh nhân nam N.V.H 19 tuổi được đưa vào Khoa Cấp cứu của bệnh viện. Bệnh nhân choáng, xỉu, tiểu tiện không tự chủ xuất hiện sau khi bị côn trùng đốt. Qua khai thác thông tin nhanh từ người đưa vào viện cho biết, bệnh nhân đang lao động thì bị côn trùng màu đen khoang vàng đốt. Sau đó vài phút bệnh nhân có biểu hiện choáng váng, ngã xỉu, gọi hỏi không đáp ứng. Ngay lập tức được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Đức Giang để cấp cứu.
Khi bệnh nhân đến khoa cấp cứu đã rơi vào tình trạng nguy kịch: ý thức rối loạn, thở nhanh nôn, da tím, vã mồ hôi lạnh, huyết áp tụt, mạch nhanh nhỏ, khó bắt; nồng độ oxy trong máu đo giảm. Ngay khi đó bệnh nhân được xác định ban đầu là: Phản vệ nguy kịch nghi do nọc ong. Ngay lập tức bác sĩ chỉ định sử dụng “thần dược Adrenalin” tiêm bắp đùi cũng như thở oxy, truyền dịch tốc độ nhanh và sử dụng các thuốc chống dị ứng khác.
Sau liên tục 2 liều Adrenalin, tình trạng bệnh nhân cải thiện không nhiều. Sau đó tuy tỉnh táo hơn, nhưng huyết áp bệnh nhân vẫn tụt sâu và mạch nhanh không có dấu hiệu cải thiện. Ngay lúc này bệnh nhân được chỉ định sử dụng Adrenalin truyền liên tục đường tĩnh mạch. Rất may mắn là sau khoảng 10p từ khi truyền Adrenalin tĩnh mạch thì các chỉ số bệnh nhân đã có xu hướng ổn định lại. Đây là phản vệ mức độ nguy kịch, có nguy cơ xuất hiện lại trong 48h nên bệnh nhân được chuyển lên khoa Hồi sức tích cực - chống độc để tiếp tục theo dõi và điều trị. Sau 03 ngày điều trị tình trạng bệnh nhân ổn định và được xuất viện.
Phản vệ có thể hiểu là phản ứng dữ dội của cơ thể trước phản ứng quá mẫn toàn thân. Nó được biểu hiện bằng các dấu hiệu đe dọa đến tính mạng thể hiện ở hệ tuần hoàn, hô hấp, thần kinh thường bao gồm các biến đổi trên da đối với tác nhân nào đó.
Phản vệ có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra: phản vệ do thức ăn, do thuốc, do nọc độc... Tuy nhiên phản vệ do nọc ong cũng là tình trạng hiếm gặp tại Khoa Cấp cứu. Phản vệ do nọc độc của côn trùng thường diễn biến nhanh và nặng hơn. Chính vì vậy phản vệ do nọc độc côn trùng càng cần được điều trị kịp thời, theo dõi sát để tránh các đáng tiếc có thể xảy ra.
Các tình trạng phản vệ chỉ có thể xác định sau khi được đánh giá. Không thể tiên lượng được khả nặng bị phản vệ với một yếu tố nào đó nếu không có tiền sử trước đây.
Cần ghi nhớ rõ tiền sử dị ứng – phản vệ của bản thân để có thể bảo vệ bản thân trong cuộc sống hàng ngày. Cần thông báo tiền sử dị ứng – phản vệ của bản thân đầy đủ khi đến khám chữa bệnh để đảm bảo quá trình điều không xảy ra các tai biến không đáng có.