Phải luôn nhớ rằng công tác chữa bệnh, chăm sóc bệnh nhân là một công trình tập thể, bao gồm nhiều khâu có liên quan chặt chẽ với nhau. Chúng ta có thể nói rằng công tác điều trị, chăm sóc bệnh nhân bắt đầu từ người thường trực, điều dưỡng viên tiếp nhận bệnh nhân, thầy thuốc phòng khám và điều trị.
1.Nhân viên thường trực
Nhân viên thường trực ở các bệnh viện là người đầu tiên tiếp xúc với bệnh nhân. Nhân viên thường trực cần phải nắm được những nét cơ bản tâm lý bệnh nhân để có những hành động chăm sóc bệnh nhân ngay từ khi họ bước chân lần đầu tiên vào phòng khám và bệnh viện. Sự tiếp đón niềm nở, lịch sự, sự chỉ dẫn chu đáo, tỉ mỉ cho bệnh nhân, khiến họ yên tâm hơn và sự lo lắng vợi bớt đi trong tâm hồn họ.
Điều dưỡng viên tiếp nhận
Người điều dưỡng viên tiếp nhận sẽ là người đại diện đầu tiên thay mặt đội ngũ cán bộ y tế tiếp xúc với bệnh nhân. Vì vậy họ có một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc tác động vào tâm lý bệnh nhân.
- Người cán bộ điều dưỡng tiếp nhận bệnh nhân cần có mặt trước giờ làm việc 5 - 10 phút, tránh để bệnh nhân chờ lâu.
- Phải ân cần, cởi mở, vui vẻ, chan hoà, thông cảm sâu sắc với bệnh nhân.
- Đến và tiếp bệnh nhân niềm nở, tận tình hướng dẫn làm các thủ tục tỉ mỉ giúp cho việc khám xét của người thầy thuốc được thuận lợi.
- Phải công bằng với bệnh nhân, ai đến trước khám trước, ai đến sau khám sau. Nếu vì lý do nào đó có ai (người quen biết, có việc bận, trường hợp đặc biệt...) cần khám trước, người điều dưỡng viên phải thông báo và xin phép các bệnh nhân đang ngồi đợi đến lượt mình.
- Người điều dưỡng viên tránh mọi sự cáu gắt, to tiếng, ăn nói thô bạo,...
2. Thầy thuốc và cán bộ điều dưỡng
Phải luôn nhớ rằng, trong buổi đầu tiếp xúc với thầy thuốc, cán bộ điều dưỡng, người bệnh rất chú ý theo dõi từng cử chỉ, hành vi tác phong, nét mặt, dung mạo, trang phục, thái độ lời ăn tiếng nói của thầy thuốc và điều dưỡng viên.
Phần 1ớn bệnh nhân đến khám bệnh đều tìm hiểu khá kỹ về người thầy thuốc, cán bộ điều dưỡng sẽ khám bệnh và chăm sóc mình: tìm hiểu về năng lực chuyên môn, về phẩm chất tư cách đạo đức, về tính tình, thậm chí cả những chi tiết về cá tính, đời tư. Vì vậy người thầy thuốc và cán bộ điều dưỡng phải có đầy đủ những đức tính cao đẹp, có trách nhiệm để xứng đáng với lòng tin cậy của bệnh nhân.
Thái độ tự tin rất cần thiết đối với thấy thuốc, nếu khám bệnh chữa bệnh mà không tự tin vào mình thì không thể khám chữa bệnh tốt được, tuy vậy người thầy thuốc phải hết sức khiêm tốn để học tập nâng cao trình độ về mọi mặt (học thầy, học bạn, học ở bệnh nhân, điều dưỡng viên). Giáo sư Tôn Thất Tùng thường nói: "Trong đời tôi có ba người thầy quan trọng: thực tế, bệnh nhân và y tá".
Trong khi khám bệnh thầy thuốc phải nghiêm túc nhưng không gay gắt, gò bó; thân mật gần gũi nhưng không luộm thuộm, xuề xòa mất ranh giới bệnh nhân và thầy thuốc; vui vẻ thân mật biết đùa nhưng không thái quá xúc phạm đến bệnh nhân. Nói chung thầy thuốc cần có những thái độ sau:
- Biết lắng nghe:
+ Đối thoại trị liệu: cuộc đối thoại giữa bệnh nhân và thầy thuốc phải luôn luôn trong không khí thân mật tôn trọng, người thầy thuốc phải chú ý lắng nghe mọi lời nói, mọi tư tưởng, mọi suy nghĩ, lắng nghe những điều sâu kín phía sau những lời nói của bệnh nhân. Bên cạnh lời nói, bệnh nhân có thể dùng cử chỉ, thái độ, nét mặt, cái nhìn... trong đối thoại, vì vậy thầy thuốc phải nghe bằng mắt để hiểu được những điều sâu kín của bệnh nhân.
+ Ngăn chặn ý kiến chủ quan theo quan điểm của mình: thường khi nghe ý kiến của bệnh nhân chúng ta dễ có phản ứng tức thời theo cảm nghĩ chủ quan của mình mà không hiểu nội dung, nguyên nhân, tác dụng của lời nói đó. Phản ứng chủ quan chẳng những không có ích gì mà còn làm cho người nói bị "dội" ra vì thấy cái tôi của thầy thuốc và họ bị mất hứng thú không muốn tiếp tục bộc lộ cảm nghĩ của mình. Vì vậy thầy thuốc cần gạt bỏ phản ứng chủ quan để tập trung chú ý nghe người bệnh nói.
- Biết tranh thủ tình cảm lòng tin: bệnh nhân sẵn có tình cảm và lòng tin đối với thầy thuốc và bệnh viện, bao giờ cũng coi thầy thuốc là vị cứu tinh của mình, không bao giờ thầy thuốc được làm mất lòng tin đó mà phải củng cố lòng tin đó. Muốn vậy thì thầy thuốc phải có lòng thương yêu bệnh nhân, tin tưởng gắn bó với bệnh nhân, không sợ bệnh nhân không tin mình, thiếu tình cảm với mình mà chỉ sợ thầy thuốc đánh mất tình cảm, lòng tin trong lòng bệnh nhân.
- Biết tác động tâm lý: muốn tác động tâm lý bệnh nhân thì phải làm cho bệnh nhân thấy sự quan tâm chăm sóc của thấy thuốc đối với mình. Bác sĩ, bệnh nhân và điều dưỡng phải có quan hệ chặt chẽ và tác động qua lại lẫn nhau.
Tất cả điều đó hoàn toàn có khả năng chinh phục bệnh nhân ngay từ phút đầu gặp gỡ Từ niềm tin và mến phục ấy, người bệnh sẽ cởi mở và thoải mái trao đổi, báo cáo với thầy thuốc về tình trạng bệnh của mình ngay cả những tình tiết riêng tư, kín đáo, mà thậm chí người bệnh không bao giờ nói với người thân nhất trong gia đình (hoang thai, mắc bệnh da liễu...)
3. Những điều cần tránh
- Chưa hỏi bệnh, trò chuyện đã khám bệnh ngay.
- Vừa nghe bệnh nhân kể, vừa làm việc khác như xem sách, liếc đồng hồ xem thời gian,...
- Chưa khám bệnh đã đọc kết quả xét nghiệm.
- Khám bệnh qua loa, đại khái, chiếu lệ.
- Không nghiên cứu kỹ hồ sơ của tuyến trước.
- Phê phán hoặc coi thường chẩn đoán và phương pháp điều trị, chăm sóc của đồng nghiệp trước mặt bệnh nhân.
4. Vấn đề chần đoán bệnh và tiên lượng bệnh
Bệnh nhân nào cũng muốn biết sớm chẩn đoán. Đó là một đòi hỏi thực tế, chân chính, song lại là một vấn đề khó khăn với người thầy thuốc vì ngay lúc đầu khó có thể chẩn đoán chính xác mà cân phải có các xét nghiệm và kết quả cận lâm sàng khác hoặc có chỗ nghi ngờ cần theo dõi thêm. Song dù sao để ổn định tâm lý bệnh nhân, để giảm phần nào lo lắng của họ, thầy thuốc và điều dưỡng viên nên thông báo cho bệnh nhân hướng chẩn đoán sơ bộ.
- Đây cũng là một đòi hỏi khao khát của người bệnh song đôi khi khá khó khăn với người thầy thuốc, người điều dưỡng. Người thầy thuốc không có quyền nói dối bệnh nhân, song không phải cái gì cũng nói. Bao giờ cũng phải nói thật, song không phải nói tất cả những sự thật để cho những lời thầy thuốc nói ra làm cho trạng thái tâm thần bệnh nhân trở nên xấu hơn thì không nên.
- Người thầy thuốc, điều dưỡng cần giải thích theo hướng lạc quan, cần tạo ra niềm hy vọng, tin vào kết quả điều trị cũng như thành tựu y học hiện đại.
- Nếu như trường hợp quá xấu thì thầy thuốc, người điều dưỡng phải tỏ ra hết sức khôn khéo Đặc biệt nếu xét thấy không còn hy vọng thì thầy thuốc, điều dưỡng viên buộc lòng phải dấu về sự kết thúc xấu của bệnh, chỉ nên nói những điều bất hạnh có thể xảy ra với người thân bệnh nhân, song cũng yêu cầu họ không để cho bệnh nhân biết.
5. Tiếp xúc với người nhà bệnh nhân
- Thường thì thầy thuốc, cán bộ điều dưỡng ít nhiều cần tiếp xúc với người nhà bệnh nhân để thu thập một bệnh sử mang tính khách quan, thu thập các thông tin để có thể đánh giá được đặc điểm nhân cách của người bệnh. Từ sự tiếp xúc này ta có thể tận được trong số các thân nhân của bệnh nhăn có uy tín nhất đối với họ; trong trường hợp cần thiết, người thân có uy tín này có thể phải cộng tác với chúng ta giải quyết nhiều vấn đề có liên quan tới bệnh nhân.
- Cũng cần nêu lên khía cạnh tiêu cực xảy ra trong khi tiếp xúc với người nhà bệnh nhân. Nói chung họ đa số bình tĩnh đúng mực, kính trọng thầy thuốc và điều dưỡng viên; song cũng có những trường hợp, chính người nhà bệnh nhân không kiềm chế được, dễ xúc động, khóc lóc, hoang mang, có lúc họ đưa ra những yêu cầu khác nhau, tranh luận với cán bộ y tế, chỉ trích thầy thuốc, điều dưỡng viên, kích động, gây gổ, quấy rầy. Những lúc này thầy thuốc và điều dưỡng viên cần khôn khéo bình tĩnh, kiên trì chịu đựng, tự chủ, tự kiềm chế và chinh phục họ bằng tài năng, đức độ, lòng vị tha và tình nhân ái của mình.
Tóm lại: Biết lắng nghe bệnh nhân, biết tham nhập vào căn bệnh và tâm hồn họ với một sự tế nhị nhất định, biết đưa câu chuyện vào một hướng cần thiết, biết tự chủ, biết kiềm chế và cẩn thận trong các lời khuyên, đó là những đức tính cần thiết của nghề thầy thuốc và chăm sóc bệnh nhân.
Khu vực tiếp đón khoa Khám bệnh
Khu vực ngồi chờ khoa Khám bệnh