Ngày 12/5 là ngày sinh của bà Florence Nightingale – một phụ nữ người Anh có nhiều công lao to lớn trong việc chăm sóc sức khỏe cho người bệnh, được thế giới suy tôn là người sáng lập ra ngành điều dưỡng. Hình ảnh của bà đã trở thành người mẹ tinh thần của ngành điều dưỡng thế giới. Ghi nhớ công lao của bà, thế giới đã chọn ngày 12/5 là ngày Quốc tế điều dưỡng.
Bà Florence Nightingale cầm đèn dầu đi chăm sóc bệnh nhân. Hình ảnh này cho tới nay vẫn là một hình ảnh đẹp của ngành điều dưỡng
Florence Nightingale (1820 – 1910) sinh ra trong một gia đình giàu có ở Anh. Từ nhỏ, bà đã thể hiện thiện tính và hoài bão được giúp đỡ người nghèo. Năm 1847, bà vào học và làm việc tại bệnh viện Kaiserswerth (Đức) dù gặp nhiều trở ngại về quan điểm xã hội và gia đình đối với nữ giới khi tham gia học về y tế và làm việc tại bệnh viện. Năm 1853, bà học thêm ở Paris (Pháp) sau đó trở lại London và điều hành một bệnh viện. Năm 30 tuổi, bà đã trở thành người điều hành và tổ chức chăm sóc sức khỏe cho những người nghèo khổ tại London, sắp xếp hợp lý và đưa ra các tiêu chuẩn cho công tác điều dưỡng. Về sau bà còn trở thành người viết sách nổi tiếng với các chủ đề liên quan đến ngành Điều dưỡng, là người đào tạo và thành lập Trường Điều dưỡng đầu tiên tại Luân Đôn.
Tại Việt Nam, hoạt động này nhằm tôn vinh giá trị nghề nghiệp, vinh danh tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chăm sóc người bệnh tại đơn vị, đồng thời cũng động viên người điều dưỡng yêu ngành nghề, yên tâm công tác, nâng cao năng lực cá nhân, tiếp tục công hiến sức lực trí tuệ hiệu quả trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, tiến tới hội nhập khu vực và quốc tế.
Hội đồng Điều dưỡng quốc tế và Tổ chức y tế thế giới chọn năm 2020 là năm vì sự tiến bộ của điều dưỡng. Ngày 12/5/2020 là ngày truyền thống của ngành điều dưỡng quốc tế, kỷ niệm 200 năm ngày sinh bà tổ sáng lập ngành điều dưỡng Florence Nightingale.
Năm 2005 QĐ số 41/2005/QĐ-BNV đã ban hành Tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức Điều dưỡng thay thế ngạch Y tá.
Ngành Điều dưỡng là một ngành độc lập trong hệ thống y tế, là dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng không thể thiếu trong xã hội; người Điều dưỡng viên là những người đóng góp tận tụy, lớn lao mà thầm lặng tại các cơ sở y tế. Trong nhiều năm qua, đội ngũ điều dưỡng luôn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình; chăm sóc bệnh nhân tận tâm, ân cần chu đáo, góp phần cùng ngành y tế đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Những khó khăn mà người Điều dưỡng gặp phải trong quá trình công tác. Dù còn gặp nhiều khó khăn, đội ngũ điều dưỡng luôn quyết tâm, cố gắng phấn đấu, rèn luyện, nâng cao y đức để tô đẹp thêm hình ảnh người điều dưỡng; luôn cảm thông, chia sẻ với người bệnh, luôn thể hiện nụ cười thân thiện của người điều dưỡng trong lòng bệnh nhân, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân tại Đơn nguyên Covid-19.
Thời gian qua, cùng với sự phát triển của bệnh viện Đa khoa Đức Giang, đội ngũ điều dưỡng với lực lượng còn mỏng so với số lượng người bệnh ngày một tăng nhưng những điều dưỡng viên luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Lãnh đạo bệnh viện luôn tạo điều kiện về cơ sở vật chất, nâng cao trình độ chuyên môn và hành lang pháp lý để cho người điều dưỡng yên tâm thực hiện tốt công việc của mình.
Đặc biệt trong dịp này, dịch Covid-19 đang lan rộng, nhiều nguy cơ tiềm ẩn là những người thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân, yếu tố lây nhiễm cao, đòi hỏi người điều dưỡng phải biết tự bảo vệ mình, đồng thời vẫn đảm bảo chăm sóc tốt cho bệnh nhân. Đây vừa là thách thức vừa là lúc thể hiện bản lĩnh của người điều dưỡng. Chi hội điều dưỡng bệnh viện, tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, còn ủng hộ bằng hiện vật 1000 mũ kính che mặt, 3500 khẩu trang y tế ngoài ra còn rất nhiều những hoạt động động viên cho hội viên chi hội yên tâm công tác.
Điều dưỡng đo chỉ số sinh tồn cho bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19.
Bên cạnh việc chăm sóc người bệnh, đội ngũ điều dưỡng, kỹ thuật viên của bệnh viện Đa khoa Đức Giang còn tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, giao lưu học hỏi với các tổ chức, sinh viên nước ngoài như tổ chức ADCV, Newborn… từ đó tổng kết, đúc rút kinh nghiệm thực tiễn, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng chuyên môn, chăm sóc người bệnh. Chi hội điều dưỡng bệnh viện tiếp tục thực hiện thông tư 07/2011/TT-BYT và Chuẩn đạo đức nghề nghiệp điều dưỡng viên Việt Nam. Để vị thế, vai trò của điều dưỡng tại bệnh viện từng bước được khẳng định, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân, phù hợp với xu hướng hội nhập, phát triển của ngành điều dưỡng trong nước và quốc tế.