“Đông y – Tây y như hai bàn tay người thầy thuốc”
Không chỉ Châu Á, nhiều nước Âu, Mỹ đã bắt đầu xu hướng “trở về với tự nhiên” qua việc sử dụng ngày càng nhiều các loại thuốc có nguồn gốc cây cỏ hay các phương pháp điều trị của y học cổ truyền để dự phòng, chữa trị và nâng cao sức khỏe.
Việt Nam có thể tự hào là một trong những quốc gia đi tiên phong xây dựng định hướng phát triển y học, y tế khoa học, đại chúng, kết hợp cổ truyền và hiện đại. Y học cổ truyền Việt Nam là một bộ phận quan trọng trong nền văn hóa cộng đồng các dân tộc, gắn liền với kinh nghiệm phòng chữa bệnh có lịch sử lâu đời, có nguồn dược liệu phong phú, phù hợp với điều kiện khí hậu, bệnh tật con người Việt Nam.
Phát huy tinh hoa của hai nền y học
Ưu điểm của nền y học cổ truyền là vận dụng sáng tạo triết học cổ phương đông vào chẩn trị. Vì thế, các thầy thuốc đông y luôn có cách nhìn người bệnh toàn diện, từ đó có sự điều chỉnh, nâng cao sức đề kháng của cơ thể nhằm khắc phục bệnh tật; rất phù hợp với yêu cầu phòng trị nhiều bệnh lý mạn tính hiện nay.
Đặc biệt, thuốc và các biện pháp không dùng thuốc (dưỡng sinh, châm cứu xoa bóp, ẩm thực trị liệu…) đều có nguồn gốc tự nhiên, vốn quen thuộc, thân thiện với con người và luôn có sẵn ở mọi lúc mọi nơi, phần lớn ít độc, ít tác dụng phụ.
Dĩ nhiên, y học cổ truyền cũng có những hạn chế, đó là phần lớn các công cụ chẩn đoán, điều trị còn thô sơ, chưa được tiêu chuẩn hóa; phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm cá nhân và biến đổi của điều kiện thiên nhiên. Đó cũng là lý do vì sao cho đến nay y học cổ truyền vẫn chưa đáp ứng được những yêu cầu ứng dụng rộng rãi, hiệu quả và kịp thời trong phòng trị các bệnh lý cấp tính, cấp cứu, lây nhiễm rộng và nhanh.
Y học hiện đại nhờ ứng dụng những thành quả công nghệ khoa học tiên tiến của nhân loại với các trang thiết bị hiện đại, các hóa dược mạnh, có thể chẩn đoán, can thiệp, điều trị kịp thời, có hiệu quả cao các bệnh lý cấp cứu, ngoại khoa, cấp tính.
Tuy nhiên, hạn chế của y học hiện đại lại chính là việc người bệnh, thậm chí cả thầy thuốc dễ bị rơi vào tình trạng lạm dụng thuốc. Các dược chất bị lạm dụng vốn chưa từng có trong tự nhiên, xa lạ với cơ thể con người, đã và đang gây nhiều tác hại cho sức khỏe nhân loại…
Chính vì thế, để đạt mục tiêu nâng cao sức khỏe, an toàn, hiệu quả, hiện đại, dễ tiếp cận trong khám chữa bệnh. Kết hợp hai nền y học chính là một bước nâng cao của quá trình kế thừa, trong quá trình kết hợp mỗi nền y học cần chọn lọc, giữ lại những phần tinh hoa, loại bỏ, hạn chế những phần độc hại, lạc hậu, để xây dựng một nền y học thực sự vì con người, cho con người.
Các hình thức kết hợp có thể vận dụng trong khám chữa bệnh
1. Khám, chẩn đoán, điều trị chủ yếu bằng y học cổ truyền, kết hợp với các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết của y học hiện đại, giúp nâng cao tính an toàn, hiệu quả của y học cổ truyền.
2. Khám chẩn đoán bằng cả y học cổ truyền và y học hiện đại, tùy theo mức độ, giai đoạn bệnh, để chọn lựa cách điều trị phù hợp cho từng giai đoạn, chủ yếu bằng y học hiện đại hay y học cổ truyền hoặc kết hợp cả ha.i
3. Điều trị căn nguyên, theo cơ chế bệnh sinh bằng y học hiện đại, kết hợp thuốc, các biện pháp không dùng thuốc y học cổ truyền (châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, nhằm hạn chế tác dụng phụ, độc hại của thuốc đặc trị, hồi phục chức năng, nâng cao chất lượng sống của người bệnh (y học cổ truyền hỗ trợ điều trị ung thư, hồi phục chức năng sau đột quỵ…).
4. Điều trị căn nguyên, cơ chế bệnh sinh chủ yếu bằng y học cổ truyền, kết hợp y học hiện đại khi có kèm theo bệnh lý cấp tính, diễn biến phức tạp (nhiễm trùng nặng )…
Có thể nói, việc kết hợp hài hòa hai nền y học trong khám chữa bệnh ngoài việc mang lại lợi ích cho người bệnh, còn góp phần xây dựng cơ sở thực tiễn và khoa học để xây dựng các công nghệ cao, mới và đáp ứng nhu cầu thời đại.
Khoa Y Dược Cổ truyền – Bệnh viện Đa khoa Đức Giang dựa trên những tinh hoa và sự kế thừa của hai nền Y học cổ truyền và hiện đại trong khám và điều trị, với mục đích đem đến những lựa chọn tối ưu nhất cho khách hàng. Đây là cầu nối giữa y học cổ truyền và y học hiện đại. Với các biện pháp dùng thuốc có nguồn gốc tự nhiên, cổ truyền, cùng với các phương pháp trị liệu không dùng thuốc như dưỡng sinh, châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, điện châm. Khoa Y dược cổ truyền cũng là địa chỉ thích hợp cho những khách hàng nâng cao sức khỏe, dự phòng và điều trị các bệnh lý mạn tính thời đại.