Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong hai thập kỷ vừa qua, nước ta đã đạt được những bước tiến mới trong giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi trong tháng đầu sau sinh. Tuy nhiên, trong năm 2012, ở Việt Nam vẫn có trên 17000 trẻ sơ sinh tử vong trong tháng đầu đời. Hiểu được tầm quan trọng này, ngày 14/7, Tổ chức Y tế Thế giới phát động chiến dịch “Cái ôm đầu tiên” tại Việt Nam. Chiến dịch này đưa các bước đơn giản có thể cứu sống hàng ngàn trẻ sơ sinh và ngăn ngừa hàng trăm ngàn ca biến chứng mỗi năm nguyên do bởi các thực hành có hại hoặc lỗi thời trong chăm sóc trẻ sơ sinh ở Việt Nam.
Để giúp các bà mẹ có kế hoạch sinh ở bệnh viện Đức giang, chúng tôi sẽ đưa ra một số hiểu biết cơ bản sau:
Quy trình thực hiện “cái ôm đầu tiên”
Ngay sau khi em bé lọt lòng mẹ , em bé sẽ ngay lập tức được mẹ ôm vào lòng, việc tiếp xúc da kề da này được thực hiện đầu tiên . Sau đó mới đến cắt dây rốn bằng dụng cụ tiệt trùng. Điều này khác biệt hẳn với cách mà các cơ sở y tế hiện nay đang làm là tách em bé khỏi mẹ sau sinh, có khi đến nhiều giờ liền sau đẻ. Việc tiếp xúc da kề da với mẹ là bước đầu tiên ngay sau đó mới tiếp đến các bước đơn giản nhưng có thể cứu sống hàng ngàn đứa trẻ sơ sinh và ngăn ngừa hàng trăm ngàn ca biến chứng mỗi năm tại Việt Nam. Đó là cung cấp Vitamin K, nhỏ thuốc mắt, tiêm phòng, cân bé và thăm khám toàn thân cần được tiến hành ngay sau bữa bú đầu tiên.
Vậy lợi ích của việc thực hiện cái ôm đầu tiên là gì:
Giúp ủ ấm trẻ. Do được mẹ ủ ấm trực tiếp, thân nhiệt bé sẽ được cân bằng trở lại để dần thích nghi với sự thay đổi của nền nhiệt từ môi trường bên ngoài.
Chuyển máu từ bánh nhau và những vi khuẩn có lợi từ mẹ sang con, tăng cường sức đề kháng
Tạo tâm lý an toàn cho mẹ, tăng cường mối quan hệ mẹ con sau này. Khi được nằm áp sát lên vùng ngực mẹ, bé sơ sinh sẽ được nghe rõ mồn một từng tiếng đập của nhịp tim mẹ. Điều này mang lại cảm giác an toàn tuyệt đối cho bé giống hệt như khi còn trong bụng mẹ
Đây cũng là cơ hội để trẻ được bú những giọt sữa non quý giá trong vòng 6 tiếng đầu sau sinh thay vì bị cách ly để chăm sóc. Chính vì phản xạ bản năng được thực hiện sớm đã giúp trẻ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận bầu vú mẹ và dần trở nên thành thục trong việc bú mớm. Điều này hoàn toàn có lợi cho sự phục hồi của mẹ khi nó giúp tử cung co bóp nhiều hơn, nhanh hơn và nhất là giảm thiểu được nguy cơ băng huyết,
Giúp rút ngắn khoảng trống trong thời gian thực hiện các thao tác chăm sóc rườm rà vốn là nguyên nhân làm tăng nguy cơ suy hô hấp, nhiễm trùng, xuất huyết não của trẻ sơ sinh. Chưa kể việc hút đàm nhớt theo cách thức trước đây cũng mang nhiều nguy cơ làm tổn thương niêm mạc hệ hô hấp vốn còn rất mỏng manh của trẻ.
Không thể có tình trạng nhầm lẫn con. Bởi ngay khi sinh ra, trẻ đã được nằm trên người mẹ, được mẹ ôm ấp và nhìn ngắm luôn.
Với những thay đổi nhỏ nhưng mang lại những lợi ích to lớn như vậy, khoa sản - Bệnh viện Đức Giang sẽ sớm triển khai chương trình “cái ôm đầu tiên” nhằm giúp các sản phụ đẻ tại khoa có được dịch vụ và lợi ích chăm sóc tốt và toàn diện nhất.